Trẻ mầm non chỉ bị các cô đánh khi ăn: Đã ai nghĩ tại sao

29-03-2024 08:03

Một điểm chung của tất cả các vụ bạo hành khiến ta phải nghĩ lại về việc ai là người nên chịu trách nhiệm cho sự dã man ấy.

Ngày 5/10, dư luận mạng xã hội rúng động trước lời kể của một bà mẹ ở Quảng Bình về việc con trai 15 tháng tuổi bị 2 cô giáo đè xuống sàn, hai tay bị trói chặt ra sau, 2 chân cũng bị trói, miệng bị nhét khăn.

Trước đó, ở Lạng Sơn, đoạn clip quay cảnh 1 bé khác bị cô giáo phạt ra khỏi lớp gào khóc, bới thức ăn trong thùng rác, bị dọa thả xuống bể nước tiếp tục khiến nhiều người đau xót.

Ngày 9/10, một bé gái được cho là 17 tháng tuổi lại bị bảo mẫu dùng hai tay ghì chặt, lắc mạnh và tát vào đầu khiến cháu bé bị ngã ra phía sau. Vụ việc xảy ra tại một trường mầm non tư thục ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.

Chỉ trong 2 tuần, liên tiếp 3 vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành ở Lạng Sơn, Quảng Bình và Hà Nội khiến dư luận vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Vì sao những sự việc trẻ mầm non bị bạo hành đã được đưa ra truy tố, xử tù những người vi phạm, báo chí lên án mạnh mẽ, dư luận cũng có nhiều tiếng nói nhưng những hành vi trên vẫn không có chiều hướng thuyên giảm.

Trẻ mầm non chỉ bị các cô đánh khi ăn: Đã ai nghĩ tại sao - 1

Clip ghi tại trường mầm non tư thục Nụ Cười Xinh, địa chỉ 47/63/33 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (ảnh cắt từ clip)

Trẻ mầm non chỉ bị các cô đánh khi ăn: Đã ai nghĩ tại sao - 2
Bé trai 15 tháng tuổi bị các cô trói tay chân - ảnh do mẹ bé cung cấp

Đã có nhiều ý kiến nhìn nhận, phân tích nguyên nhân gây ra các vụ bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non, như tất cả các vụ bạo hành trẻ đều xảy ra trong các trường mầm non tư thục, những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động, người làm công việc chăm sóc trẻ thường không được đào tạo chuyên môn bài bản, không có kiến thức về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức về sự phát triển tâm lý trẻ….dẫn đến hành động bạo hành dã man.

Tuy nhiên, có rất ít hoặc hầu như không một ai, lên án hay chỉ ra lỗi sai thuộc về chính những bậc làm cha, làm mẹ. Bài viết dưới đây của chị Hà Chũn – đồng tác giả hai tập sách Nuôi con không phải là cuộc chiến và Ăn dặm không phải là cuộc chiến, sẽ mang đến cho nhiều người một góc nhìn mới về những vụ việc bạo hành trẻ mầm non diễn ra thời gian gần đây. 

Nguyên văn bài viết:

Hôm qua nhân dịp facebook có chế độ autoplay mà mình được/phải xem các clip bạo hành trẻ em ở các trường mầm non.

Thật là dã man quá!

Nhưng rồi nhận ra một điểm chung của các vụ bạo hành từ trước đến nay, đó là các con chỉ bị các cô đánh khi ĂN (hoặc không chịu ngủ, nhưng tỉ lệ này ít hơn). Các cụ bảo, trời đánh tránh miếng ăn.

Hình ảnh những đứa bé ngồi thành vòng, ngồi im bất động, ngân ngấn nước mắt sợ hãi, không một chút phản ứng khi cô lôi phụt cái ghế có em bé ngồi trên về phía mình. Cô nâng bát, con há trong phản xạ của sự sợ hãi kinh hoàng, bởi con biết phản kháng sẽ "ăn đòn". Nhiều khi ngồi không chẳng làm gì cũng bị ăn cái tát, vì lúc trước không chịu ăn!!!!!

Vâng, có thể sự tàn nhẫn bắt đầu từ phía cô. Nhưng có thể mầm mống của vấn đề, thực sự sâu xa không nằm ở đó.

Làm cha làm mẹ, hãy tự hỏi mình đã chuẩn bị gì cho con khi đi lớp. Hãy nhắm mắt lại suy ngẫm một chút về bữa ăn của bé ở nhà?

Con có bị ăn thụ động không? Con đã tự biết ăn, thích ăn không? Nếu câu trả lời là không, nghĩa là đến trường con sẽ cần cô giúp, cô bón, và ăn trong miễn cưỡng dưới sự chỉ đạo của cô giáo.

Ở nhà con có cần một người chuyên múa may tán thưởng khi ăn không? Nếu có, đến trường cha mẹ kỳ vọng một đội văn nghê chuyên khen các cháu há mau, nuốt nhanh ăn giỏi?

Con có cần iphone, ipad, TV để con dỗ con ăn không? Nếu có, cha mẹ có nghĩ ở trường có TV dỗ các con ăn không?

Con có cần ăn rong không, ra sân chơi để ăn? Nếu có, bạn có nghĩ cô giáo sẽ mời con ra sân vừa chơi vừa ăn?

Con ăn cơm ở nhà có bị bố mẹ quát nạt, đe nẹt và dọa dẫm? Nếu có, con sẽ quen phải bị dọa dẫm mới chịu nuốt thức ăn, ăn đi kèm với sợ hãi? Vậy bạn chờ đợi điều gì khi con ăn ở trường?

Chưa ở đâu mình thấy trẻ em sợ ăn và bị ép ăn nhiều như ở nước mình, thật lòng luôn. Và điều này bắt đầu từ nhỏ, từ ở nhà. Nếu thế, ta chờ đợi gì khi bé đến trường?

Có nhiều mẹ tâm sự, và vui mừng khi con đi học, vì sợ cô, vì được cô bón theo dây chuyền hàng loạt mà ăn tốt hơn.

Nhiều mẹ lo lắng, con đi học không được bón như ở nhà, không ăn, sẽ sụt cân.

Hẳn có nhiều đứa trẻ biếng ăn thật sự. Theo thống kê là 2% trên thế giới (chắc rơi vào hết Việt Nam vì chẳng ở đâu trẻ sợ ăn như nước mình), còn lại 98% là trẻ em mà nếu được ăn theo nhu cầu, và đều vẫn lớn hết cả các cậu ạ.

Trẻ em cũng như người lớn, có người gầy người béo, có người vóc dáng nhỏ nhắn có người đô con. Khi chúng ta tự đưa một mục tiêu: ngày hôm nay phải ăn hết bao nhiêu bát cơm, tháng này phải tăng mấy lạng, phải chăng chúng ta đang mua dây buộc rắc rối vào mình. Và buồn hơn, khi chúng ta choàng cái "trách nhiệm" và "mục tiêu" ấy vào những người trẻ tuổi, chưa con cái, thiếu kinh nghiệm xã hội mà các con các bạn gọi là "cô giáo", chúng ta đang trực tiếp đập đầu vào tường.

Hãy hỏi mình, ở nhà nếu để tự con có ăn tốt không? Và hãy kì vọng mức thấp hơn ở trường, bởi ở trường không gian rộng và xao lãng hơn ở nhà.

Hãy trang bị cho con khả năng bảo vệ chính mình khỏi những bạo hành trên bằng cách trang bị cho con khả năng TỰ ĂN, kỹ năng và niềm vui trong ăn uống, giảm sự kén ăn. Đó là bảo vệ mình con.

Đồng thời, giảm sức ép cân nặng và khối lượng ăn cho cô giáo. Trẻ chỉ ăn một bữa ở trường, khi đói ở trường về nhà trẻ sẽ tự nhiên ăn bù. Nếu hôm nay ăn ít, mai sẽ ăn nhiều. Bởi ở nhà, chỉ một đứa trẻ biếng ăn đã làm ta sôi máu nóng gan thì hãy tưởng tượng cô giáo, những người không là cha mẹ của con mình, hàng ngày tiếp xúc với hàng chục đứa trẻ như thế, họ sẽ cảm thấy thế nào?

Mà sâu xa và kinh khủng hơn thế, ngay từ trường mẫu giáo bạo hành đã bắt đầu. Con đến trường với tâm tưởng: bị đánh là ok, bạo hành là bình thường. Trường thành con sẽ như thế nào? Chấp nhận bị người khác đánh đập? Hay chỉnh từ đó phát triển khả năng đi bạo hành người khác. Nên nhớ, trẻ con học và bắt chước rất nhanh, và chúng bắt chước người lớn!

Bởi vậy, mình nghĩ cho con khả năng tự ăn, tự quyết trong ăn uống chính là bảo vệ con khỏi bạo hành. Và thực sự hy vọng các cha mẹ cân nhắc kỹ các khả năng con có thể làm, để con sẵn sàng khi trao cục vàng của mình cho người khác.

Thực sự là một tối rất buồn.

Theo Hà Chũn (Khám Phá)

Becungshop.vn © 2024 - Thời Trang Trẻ Em uy tín được nhiều cha mẹ tin dùng